Doanh nghiệp mỹ phẩm nội địa ở đâu trên bản đồ ngành làm đẹp Việt Nam?

11/07/2023

Tại các đô thị lớn – đấu trường chính của các doanh nghiệp trong lĩnh vực làm đẹp, dù các thương hiệu nước ngoài vẫn đang thắng thế, song vài năm gần đây, đã có sự trỗi dậy ấn tượng của các thương hiệu Việt như Cỏ Mềm, Cocoon, M.O.I., Candid… Tuy nhiên, nó chỉ đúng với ngành chăm sóc da, còn mảng trang điểm (trừ son môi) vẫn rất ít doanh nghiệp Việt khai phá.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là sự trỗi dậy của Cocoon hay một vài thương hiệu nội địa khác chỉ cá biệt, những tay chơi chính ở thị trường làm đẹp hiện nay vẫn là các tên tuổi nước ngoài. Ngay trên website của Hasaki hiện có khoảng 501 thương hiệu, nhưng chỉ có đúng 3 thương hiệu làm đẹp Việt là Emmié by Happy Skin, Cocoon và M.O.I.

Hay trong Báo cáo phân tích việc sử dụng mỹ phẩm ở Việt Nam (2022) được phát hành bởi Q&Me thì Innisfree, Mac, Olay là 3 nhãn hiệu được lựa chọn hàng đầu, sau đó là Pond’s, Ohui và The FaceShop. Tất cả đều là thương hiệu nổi tiếng quốc tế.

VỊ THẾ CỦA CÁC DOANH NGHIỆP NỘI ĐỊA Ở THỊ TRƯỜNG LÀM ĐẸP VIỆT

Khoảng hơn 20 năm trở về trước, tức vào giai đoạn trước năm 2000, kinh tế Việt Nam chưa phát triển và ngành thương mại quốc tế chưa phát triển, việc làm đẹp hay sử dụng mỹ phẩm vẫn chưa được số đông chú trọng, hoặc nếu có thì chỉ là những sản phẩm cơ bản như kem dưỡng da, kem trị mụn…

Tuy nhiên, khoảng hơn chục năm trở lại đây, thu nhập của người dân đã cao hơn cộng với sự ảnh hưởng của văn hóa ‘đẹp là tất cả’ từ Trung Quốc và Hàn Quốc, nhu cầu dùng các sản phẩm làm đẹp, đặc biệt là giới trẻ Việt tăng cao hơn bao giờ hết.

Theo thống kê từ báo Đầu tư, một người tiêu dùng nữ thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam trung bình chi ra khoảng 450.000 – 500.000 đồng mỗi tháng cho các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da. Trong vòng 10 năm tới, thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khoảng 15% – 20% mỗi năm. Theo Báo cáo nói trên của Q&Me, 93% phụ nữ từ 25-32 tuổi sử dụng các sản phẩm chăm sóc da thường xuyên.

Trong đó, theo số liệu của Công ty nghiên cứu thị trường AMR, riêng thị trường sản phẩm chăm sóc da của Việt Nam được ước tính đạt tổng giá trị khoảng 850 triệu USD vào năm 2019 và dự đoán tăng đến 1.900 triệu USD vào năm 2027 – tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép trung bình đạt khoảng 11,7% trong giai đoạn 2021 – 2027.

Cộng với sự phát triển của các kênh bán hàng online và sự èo uột của ngành mỹ phẩm nội địa, thị trường Việt Nam đang trở thành miền đất hứa của các thương hiệu mỹ phẩm nước ngoài. Theo thống kê của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, hiện nay có đến khoảng 93% các sản phẩm chăm sóc cá nhân tiêu thụ tại Việt Nam là được nhập khẩu, với tổng kim ngạch nhập khẩu ghi nhận đạt khoảng 950 triệu USD vào năm 2019.

Chính vì thế mà Candid Skincare ( thương hiệu Việt Hannah Nguyễn và Bùi Ngọc Anh) để nâng cao uy tín sản phẩm, họ đã tìm đến với Kolmar Korea để hợp tác sản xuất. Tập đoàn Kolmar là một trong những nhà sản xuất mỹ phẩm lớn nhất nhì thế giới, gia công cho các thương hiệu lớn trên thế giới như Innisfree, AHC, Nature Republic, Maybeline, Lancome…

Dù thế, như chúng ta thấy, hầu hết thương hiệu Việt nổi trội trên thị trường chủ yếu đánh vào phân khúc skincare tầm trung và chưa quan tâm đến mảng make-up. Trong tất cả, chỉ M.O.I và Lemonade Cosmetics là chuyên về đồ trang điểm, còn các thương hiệu khác chỉ có son hoặc một vài loại kem lót và phấn phủ. Việc đầu tư phát triển sản phẩm đối với nhóm này chưa được chú trọng và làm cho tới.

Nguồn: ngành làm đẹp (markettimes.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

.
.
.
.